Cà phê cóc hè phố ở Sài Gòn là một trong những đặc trưng của đất và người Sài Gòn, cởi mở và khoáng đạt từ con người, ly cà phê đến chỗ ngồi cà phê.
"Mình thích uống cà phê cóc vì nó thoáng mát, rẻ, phù hợp với túi tiền sinh viên". "Ngồi cà phê cóc thì tự do thoải mái nói chuyện mà không bị người khác để ý, lại có không gian thoáng đãng, vừa được ngắm cảnh đường phố ồn ào đông đúc"... Đó là những lời nhận xét rất thường gặp của người dân Sài Gòn khi ngồi thưởng thức cà phê cóc.
Gọi là cà phê cóc vì các quán cà phê kiểu này nhảy nay chỗ này, mai chỗ khác như cóc nhảy. Nguồn gốc của các quán kiểu này có thể kể từ thời những năm 50 thế kỉ trước, thời đó người Việt chưa bán cà phê, những tiệm cà phê đầu tiên ở Sài Gòn là những tiệm cà phê hủ tiếu của người Hoa Chợ Lớn. Gọi là tiệm cà phê hủ tiếu là vì những tiệm này bán hủ tiếu hay há cảo, có bán kèm cà phê như môt loại thức uống buổi sáng để người đi ăn sáng có thứ nhâm nhi bàn chuyện thời sự. Cà phê thời đó còn gọi là cà phê vớ hay cà phê kho vì cách pha: cà phê bột cho vào 1 túi vải hình phễu trông giống chiếc vớ, rồi nhúng vào siêu nước đang sôi, lấy đũa khuấy xong đậy nắp siêu lại kho độ năm, mười phút mới rót mang ra cho khách.
Đến thập niên 60 thế kỉ trước, Sài Gòn bắt đầu xuất hiện những quán cà phê góc phố, bày bàn ghế ra hàng hiên, một cách tiếp thu phong cách cà phê hè phố của dân Paris (Pháp). Những quán này rất được giới văn nghệ sĩ trẻ ưa chuộng.
Rồi đến những ngày đầu sau 1975, Sài Gòn lại rộ lên phong trào cà phê hè phố. Những quán cóc che tạm tấm bạt bên lề đường với những chiếc ghế gỗ lùn mọc lên dọc khu hồ Con Rùa, đường Phạm Ngọc Thạch... làm chỗ để người ta tụ hội, gặp gỡ bàn chuyện hoà bình. Và cũng từ đó, thói quen uống cà phê hè phố trở thành một trong những ‘thói quen Sài Gòn'.
Rất nhiều người sẽ thấy các quán cà phê cóc Sài Gòn giống với các quán nước đầu phố của Hà Nội và sự thực giữa hai loại quán này cũng có những điểm tương đồng. Gọi là quán cho thuận miệng, chứ thật ra cà phê cóc chỉ bao gồm một chiếc hộp hay chiếc xe đẩy đựng chai cà phê, hũ đường, hộp sữa đặc, ít đá và ít ghế nhựa được xếp trên các vỉa hè hay góc phố; có những quán thậm chí không có cả ghế, cứ trải bạt hay một tờ giấy báo là đã có một chỗ ngồi "ngon lành". Những quán cà phê cóc nằm rải rác khắp các con đường từ ngoại thành đến khu trung tâm đã trở thành một hình ảnh quen thuộc với người Sài Gòn.
Có thể nói không nơi nào bạn dễ bắt chuyện với dân Sài Gòn hơn trong những quán cà phê vỉa hè có mặt khắp thành phố như thế này. Mở cửa từ 4,5 giờ sáng đến tận tối mịt, mỗi quán có những khách quen riêng, có giờ cao điểm riêng, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ mục đích uống cà phê nhanh, gọn, lẹ của người Sài Gòn.
Người Sài Gòn có thói quen uống cà phê sáng cho tỉnh táo để bắt đầu một ngày làm việc. Câu chuyện quanh bàn cà phê sáng có thể bao gồm từ chuyện nghề nghiệp, chuyện con cái, gia đình đến các vấn đề thời sự, giáo dục, thể thao hay cả chính trị thế giới. Một hình ảnh thường gặp ở các quán cà phê cóc là mỗi người một tay cầm ly cà phê, tay kia cầm tờ báo.
Dân Sài Gòn còn có thể uống cà phê vào bất cứ lúc nào trong ngày, dù là buổi trưa hay tối. Dân văn phòng sau bữa ăn trưa có thể chọn một quán nào đó, vài câu chuyện phiếm buổi trưa bên ly cà phê đá có thể xua tan cơn buồn ngủ giữa ngày.
Cà phê có thể không ngon, vì một ly cà phê cóc chỉ khoảng dăm bảy nghìn nên việc 6 phần cà phê 4 phần bắp rang là chuyện dễ hiểu, nhưng câu chuyện thì rôm rả, những người trò chuyện cởi mở, đề tài không giới hạn. Vì vậy, ở Sài Gòn hình thành những khu cà phê riêng cho từng nhóm người: có khu cà phê cóc cho dân chứng khoán ở Q1, khu cho dân kiến trúc bên hông trường Kiến trúc, khu cho dân chơi xe máy cổ, và cả khu cho giới văn nghệ sĩ trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q3, TPHCM.
Uống cà phê hè phố cũng là một cách để bạn khám phá khẩu vị cà phê của người Sài Gòn. Nhiều du khách đến đây rất ngạc nhiên vì ly cà phê rất to, rất ngọt, rất nhiều đá và thường là được pha sẵn. Không có phin cà phê, không có đường và đá riêng để bạn tự pha cà phê như những vùng khác. Cà phê cóc hè phố ở Sài Gòn là một trong những đặc trưng của đất và người Sài Gòn, cởi mở và khoáng đạt từ con người, ly cà phê đến chỗ ngồi cà phê. Nếu các bạn có ghé thăm Sài Gòn, một buổi sáng nào đó hãy dành thời gian đi bộ ra quán cà phê góc phố, ngồi và tự thưởng thức một chút nếp sống Sài Gòn nhé!