Vietnam Single Tim Ban Bon Phuong  


HOME  -  FORUM  -  REGISTER  -  MY ACCOUNT  -  NEW  PHOTOS  -  BROWSE  -  SEARCH  -  POEM  -  ECARD  -  FAQ  -  NCTT  -  CONTACT



Diễn Đàn
 Những chủ đề mới nhất
 Những góp ý mới nhất
 Những chủ đề chưa góp ý

 
NCTT Những chủ đề mới nhất

NCTT Những góp ý mới nhất
NCTT Website


Who is Online
 

 

Forum > Việt ngữ, lịch sử, văn hóa >> Làm sao để gỡ lưỡi câu khỏi lưng cụ Rùa Hồ Gươm?

 Bấm vào đây để góp ý kiến

1

 sontunghn
 member

 ID 63275
 09/06/2010



Làm sao để gỡ lưỡi câu khỏi lưng cụ Rùa Hồ Gươm?
profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email -goi thu   Thong bao bai viet spam den webmaster  edit -sua doi, thay doi edit -sua doi, thay doi  post reply - goy y kien


Dư luận đang xôn xao về việc cụ Rùa Hồ Gươm bị mắc trên lưng một lưỡi câu chùm. Câu hỏi đặt ra là: "Làm thế nào để gỡ lưỡi câu khỏi lưng cụ Rùa?”.

Chiều 6-9, trao đổi với phóng viên Dân Việt về vấn đề trên, PGS.TS sinh học Hà Đình Đức, người đã nhiều năm nghiên cứu Rùa Hồ Gươm và được mệnh danh là “nhà rùa học” than thở: “Để gỡ được lưỡi câu ra khỏi lưng cụ Rùa chỉ có cách là tiếp cận cụ. Mà quả thực là điều này quá khó!”.

Ông Đức kể lại chuyện hồi tháng Giêng năm 1992, sáu thợ lặn đeo bình lặn đã tìm kiếm suốt bốn tiếng đồng hồ trong lòng hồ Gươm mà cũng không gặp được cụ Rùa. Vì vậy, muốn gỡ được lưỡi câu cho cụ Rùa chỉ còn cách là đợi cụ bò lên chân Tháp Rùa phơi nắng.

Nhưng ngay cả khi cụ Rùa bò lên chân Tháp Rùa phơi nắng, thì việc tiếp cận cụ Rùa rồi sau đó nhẹ nhàng gỡ lưỡi câu, xem ra cũng là một " nhiệm vụ bất khả thi", đó là chưa kể việc lùng sục tìm cụ Rùa cũng sẽ là việc "lợi bất cập hại".

Nhận định về mức độ nguy hiểm của lưỡi câu chùm đang mắc trên mai cụ Rùa, ông Đức cho biết, trong lúc cụ Rùa di chuyển, nếu chẳng may lưỡi câu bị vướng vào đâu đó sẽ có thể làm xé tuột mất một mảng mai mềm của cụ Rùa. Tuy nhiên, ông Đức cũng khẳng định đây không phải là nguy cơ lớn.

Theo PGS.TS sinh học Hà Đình Đức, điều đáng lo ngại hơn là chính những thương tích cụ Rùa đang phải mang trên mình, như những vết lõm trên mai cụ Rùa, trong đó có một vết lõm khá sâu ở phần mai bên phải, có thể là vết tích của một cú đánh mạnh.

"Việc chúng ta có thể làm được bây giờ, tôi muốn chính quyền và người dân quan tâm, nâng cao ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ cụ Rùa”, ông Đức mong mỏi.

Khánh Linh



Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
 

 sontunghn
 member

 REF: 562555
 09/06/2010

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai


Cụ rùa Hồ Gươm dính lưỡi câu chùm

Cụ Rùa Hồ Gươm đang phải sống qua ngày với một lưỡi câu chùm mắc ở lưng cùng nhiều vết thương khác. Biểu tượng tâm linh của cả nước đang đối mặt nguy cơ bị tấn công hằng ngày từ phía những kẻ câu trộm cá.

Cụ Rùa trên lưng chi chít các vết thương nghi do bị đập bằng vật cứng và lưỡi câu chùm


Thương tích đầy mình

Cụ Rùa Hồ Gươm đang bị thương do những kẻ câu trộm cá tấn công bằng lưỡi câu chùm. Ảnh chụp ngày 1-8-2010 cho thấy rõ ràng có một vật hình dáng như lưỡi câu chùm cắm vào phần mai cụ.

Cũng theo thông tin chúng tôi nhận được, nhiều khả năng lưỡi câu này không phải mới, mà đã mắc ở cổ cụ ít nhất năm tháng ròng!

Trước đó, vào ngày 12-3-2010, trên một trang mạng xã hội đưa tin kèm video cảnh cụ rùa bị tấn công. Theo người đưa tin, hôm đó, cụ nổi bắt đầu từ mặt hồ khu vực Sở Điện lực Hà Nội, sau đó đi dọc theo mép hồ, xuôi về Bưu điện. Sau khoảng nửa tiếng, cụ đi qua hướng ngã tư Tràng Thi - Bà Triệu rồi hướng ra Tháp Rùa. Tại đây, cụ bị một thanh niên dùng lưỡi câu chùm tấn công.

Không biết lưỡi câu khi quăng đi có trúng cụ Rùa hay không, nhưng dây cước căng như dây đàn và đứt ngay sau đó. Đối tượng này sau đó đã bỏ chạy khi bị quay phim, chụp ảnh. Trong phần video được đăng tải, không rõ chi tiết cụ Rùa có bị tấn công không ngoài hình ảnh một thanh niên đang quấn đoạn dây cước đã bị đứt.

Theo PGS Hà Đình Đức, người được mệnh danh là nhà rùa học, sự việc cụ Rùa bị tấn công bởi những kẻ câu cá trộm đã diễn ra nhiều năm nay. Đây cũng không phải là lần đầu tiên cụ bị thương. Trên lưng và cổ cụ còn chi chít những vết thương khác do những kẻ vô ý thức gây ra. Lần giở lại tài liệu chép những lần trước đây cụ Rùa bị thương, PGS Đức cho biết.

“Ngày 1-1-1997, tôi gửi thư lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phản ánh về rùa bị thương và đề nghị cho kiểm tra lại những cọc đóng chung quanh chân Đảo Ngọc, cho nhổ bỏ hết những cọc lởm chởm trên hồ và triệt để cấm những kẻ câu cá trộm xung quanh hồ để rùa có thể bơi lội an toàn”.

Ngày 01- 4-1998, PGS Đức tiếp tục gửi thư lên Thủ tướng trình báo về rùa bị thương kèm theo hình ảnh do phóng viên Trần Mạnh Lân - Đài Truyền hình Việt Nam cung cấp ngày 23 - 4 năm đó. Hình ảnh cho thấy trên dọc cổ bên phải rùa bị sưng tấy, màu đỏ hồng trông như có vết cứa chéo có thể do các chướng ngại vật trong hồ, hoặc bọn câu trộm bằng lưỡi câu chùm gây nên.

Năm 2002, những hình ảnh cụ Rùa bị thương tiếp tục được cung cấp cho PGS Hà Đình Đức. Trên bức ảnh chụp vào ngày 25-11-2002, nhìn rõ vết sẹo to bên cổ cụ Rùa.

Hai bức ảnh khác chụp vào ngày 03-11-2005 và 08-11-2007, lại cho thấy lưng cụ chi chít vết thương. Trong các bức ảnh này, cụ đang nằm phơi nắng trên thảm cỏ bên chân Tháp Rùa. Phần mai trông rõ các vết lõm to (có thể là vết đập) và vết lõm nhỏ “có thể do lưỡi câu chùm” xé rách.

Xót xa thân phận cụ Rùa

Ngay sau khi được cung cấp những hình ảnh mới nhất về cụ Rùa bị dính lưỡi câu chùm trên mai, ngày 3-9-2010, chúng tôi tới gặp tổ bảo vệ an ninh trật tự Hồ Gươm. Một số nhân viên trong kíp trực cho hay chưa từng biết về việc này, cũng chưa chứng kiến cảnh cụ Rùa mắc câu bao giờ.

Khi chúng tôi hỏi “nếu bắt được kẻ câu cá trộm ở hồ Gươm sẽ xử lý như thế nào”, một nhân viên cho biết, ở đây có rất nhiều việc nên… không thể nắm hết được các vấn đề đó.

Được biết, tổ bảo vệ có 50 người, chia làm 3 kíp trực. Ngoài việc bảo vệ hồ Gươm, tổ bảo vệ còn kiêm trông coi, giữ gìn trật tự khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ.

Theo PGS Hà Đình Đức, nếu không có các biện pháp hữu hiệu ngay lập tức để bảo vệ cụ Rùa, e rằng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ vĩnh viễn mất đi một biểu tượng tâm linh, văn hóa.

“Trước hết, phải lấy được lưỡi câu khỏi mai cụ Rùa. Làm việc này không đơn giản. Chỉ còn cách đợi cụ bò lên phơi nắng trên Tháp Rùa rồi tiếp cận cụ. Nhưng ngay cả khi đó, chưa chắc đã tới gần được cụ. Nếu không lấy được lưỡi câu ra thì cụ sẽ phải mang theo nó đến lúc vướng vào đâu đó lưỡi câu xé rách mảng da đó ra…” - PGS Đức lo ngại.

Nhà rùa học cũng bày tỏ sự xót xa cho thân phận cụ Rùa hàng chục năm qua đã phải chống chọi với sự vô ý thức của rất nhiều người. “Trước đây mỗi khi phát hiện cụ Rùa bị thương, tôi đều gửi thư ngay tới lãnh đạo thành phố để báo cáo sự việc và đề nghị có biện pháp giải quyết. Nhưng đợt này thành phố còn bận lo tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên…”.

Cơ quan chức năng có biết sự việc này hay không và phản ứng như thế nào nhằm bảo vệ cụ Rùa thiêng? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.



 

 sontunghn
 member

 REF: 562765
 09/07/2010

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai


Ngoài những mối đe dọa trực tiếp từ con người như vụ dính lưỡi câu chùm gây xôn xao dư luận gần đây, cụ Rùa Hồ Gươm còn đang bị đe dọa bởi rùa tai đỏ, loài vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.


Dù kích thước của rùa tai đỏ nhỏ hơn nhiều so với kích thước của cụ Rùa Hồ Gươm, tuy nhiên loài động vật xâm hại nguy hiểm này lại đang thực sự trở thành mối nguy cơ đáng báo động đối với cụ Rùa.


Trao đổi với phóng viên, PGS.TS sinh học Hà Đình Đức khẳng định: “Rùa tai đỏ chính là mối nguy cơ lớn đối với môi trường sinh thái của Hồ Gươm nói chung và nguồn thức ăn của cụ Rùa nói riêng”.

Rùa tai đỏ có phổ thức ăn rất rộng. Chúng có thể ăn bất kể thứ gì có ở nơi chúng sinh sống, từ các loài thực vật như: tảo, bèo tấm… cho đến động vật như: nòng nọc, cá nhỏ, côn trùng, giáp xác hai chân, và các loại thân mềm…

Do đó, ông Đức cảnh báo, chỉ dăm bảy chục năm nữa, loài rùa này có thể ăn hết tảo và làm mất màu xanh của Hồ Gươm, cũng như cạnh tranh khốc liệt thức ăn với cụ Rùa trong bối cảnh mực nước hồ tiếp tục cạn và nguồn thức ăn của các loài động vật sinh sống tại đây bị thu hẹp.

Theo thống kê của “nhà rùa học”, trong số các loài rùa có mặt tại Hồ Gươm hiện nay như ba ba, rùa cổ sọc, rùa ba gờ, rùa sa nhân, rùa vàng, rùa núi viền, rùa đất Tam Đảo… đông đảo nhất vẫn là loài rùa tai đỏ.

Phân tích về mức độ nguy hiểm của loài rùa này, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, rùa tai đỏ có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới của Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và nguồn tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Theo đó, "rùa tai đỏ là một loài vật nuôi thông dụng rất phổ biến ở nhiều vùng trên thế giới và đã trở thành đối thủ cạnh tranh với các loài rùa bản địa".

Ông Đức lấy ví dụ, từ thập niên 70 của thế kỷ trước, rùa tai đỏ đã được nhập vào châu Âu. Hơn ba triệu con đã được bán tại Pháp với giá 5 đôla/con. Tuy nhiên, nhiều người về sau không thích nuôi đã thả chúng ra các sông hồ, cống rãnh.

Rùa tai đỏ nhanh chóng sinh sôi nay nở và cạnh tranh quyết liệt với loài rùa đầm bản địa và gây tổn hại đến hệ sinh vật thuỷ sinh trong vùng. Đến mức tháng 2-1990, châu Âu đã phải ra lệnh cấm nhập loài rùa này.

Trong khi đó tại Việt Nam, mức độ nguy hiểm của loài rùa tai đỏ vẫn chưa được đánh giá đúng mức.

Rùa "độc" tiếp tục xâm lấn Hồ Gươm

Mặc dù có nguồn gốc từ Bắc Mỹ nhưng lần đầu tiên, loài rùa lạ này được phát hiện ở Hồ Gươm vào năm 1997. Theo nhận định ban đầu, rùa tai đỏ đã được người dân nhập về Việt Nam để nuôi làm cảnh, và khi không nuôi nữa thì họ thả xuống Hồ Gươm. Từ đó đến nay, tại Hồ Gươm vẫn tiếp tục xuất hiện ngày càng nhiều rùa tai đỏ, do người dân thả phóng sinh.

Có thể dễ dàng tìm thấy rùa tai đỏ được bán tràn lan tại các cửa hàng cá cảnh. Không chỉ mua về để nuôi, rùa tai đỏ với màu sắc đẹp, kích cỡ nhỏ gọn, còn thường được người dân thả xuống Hồ Gươm cầu may vào các dịp lễ rằm, Tết mà không biết rằng hành động đó đã vô tình gieo mầm nguy hại cho cụ Rùa Hồ Gươm cũng như hệ sinh thái của hồ.

Mặc dù không xác định được chính xác số lượng rùa tai đỏ hiện đang xâm lấn Hồ Gươm, tuy nhiên, theo PGS.TS Hà Đình Đức, do loài rùa này ăn khỏe, sinh sôi nhanh bên cạnh đó là việc người dân vẫn không ngừng thả rùa tai đỏ xuống hồ, nên hiện số lượng rùa tai đỏ tại Hồ Gươm đã tăng lên rất nhiều.

Nhận thức được mối nguy hại của loài rùa tai đỏ, từ năm 2004, PGS.TS Hà Đình Đức đã có đề xuất về việc phải diệt loài xâm hại nguy hiểm này trước khi chúng gây ra những tác hại lâu dài. Tuy nhiên có vẻ như những cảnh báo của ông vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, khi mà thực tế là rùa tai đỏ vẫn cứ được nhập về Việt Nam cũng như được bày bán tràn lan trên thị trường trong suốt nhiều năm qua.

Và những mối nguy hại đối với cụ Rùa vẫn cứ tăng thêm mỗi ngày, tỉ lệ thuận với sự gia tăng không - ai - ngăn - cản của loài rùa tai đỏ đang nhởn nhơ xâm lấn Hồ Gươm.

(Theo NTNN)



 

 sontunghn
 member

 REF: 562775
 09/07/2010

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai


Bảo vệ cụ Rùa, những mắc mớ

Theo một số chuyên gia về bảo vệ động vật, những mắc mớ trong các quy định liên quan bảo vệ Rùa Hồ Gươm còn xuất phát từ một nguyên nhân là đến nay, thực sự cụ Rùa thuộc loài nào, vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Trong khi đó, việc tiếp cận cụ bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật gần như là không thể.


Các nhà bảo tồn đã đưa ra một số lập luận nhằm lý giải vì sao Rùa thiêng của Hà Nội không nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các hành vi vi phạm bảo vệ động thực vật hoang dã quý hiếm. Việc này vô tình gây ra những hiểu lầm về tình trạng của loài rùa này. Phải chăng rùa Hồ Gươm không phải là loài quý hiếm cần được bảo vệ?

Theo các căn cứ khoa học được cung cấp bởi Chương trình Rùa châu Á (ATP), Rùa Hồ Gươm là loài Rafetus Swinhoei – cùng loài với rùa được phát hiện gần Thượng Hải (Trung Quốc).

Nếu đúng là loài này, thì Rùa Hồ Gươm được xếp trong sách Đỏ của Việt Nam năm 2007 (số thứ tự 202, phần động vật) và được xếp ở cấp CR – cấp cao nhất theo phân loại về tình trạng bảo tồn. Loài này được phân bố trải dài từ Trung Quốc xuống Việt Nam theo lưu vực sông Hồng.

Từ năm 2004, ATP đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát tìm kiếm những cá thể rùa quý hiếm ở Việt Nam và đã thu thập được một hộp sọ rùa tại tỉnh Phú Thọ, tiêu bản nguyên một cá thể tại tỉnh Yên Bái và một cá thể rùa tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây). Qua phân tích về mặt hình thái, ATP khẳng định những cá thể rùa này đều thuộc loài Rafetus Swinhoei.

Kết luận này càng được củng cố khi vào tháng 12-2009, TS Lê Đức Minh, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên – Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm AND của cá thể rùa Đồng Mô và cá thể rùa đang được trưng bày ở đền Ngọc Sơn.

Theo kết quả này, chúng thuộc loài Rafetus Swinhoei. Dựa trên những phân tích về đặc điểm hình thái, các chuyên gia quốc tế về rùa cũng khẳng định cụ Rùa duy nhất đang sống ở Hồ Gươm thuộc loài này.

Theo báo cáo khoa học của TS Lê Đức Minh, sông Hồng chính là hành lang di chuyển của loài Rafetus Swinhoei. Hàng trăm năm nay, nó đã theo đường sông Hồng để phát tán vào các ao, đầm, hồ quanh đó.

Do Lê Lợi mang đến thả?

Tuy nhiên, PGS Hà Đình Đức, người đến nay được ghi nhận là có thời gian lâu nhất liên tục theo dõi về rùa Hồ Gươm (hơn 10 năm), lại không đồng tình với những kết luận nói trên. PGS Đức từng nêu sự khác biệt về hình thái mai, sọ rùa giữa rùa Thượng Hải và rùa Hồ Gươm đang được trưng bày tại đền Ngọc Sơn.


Ông Đức nhận định rằng, rùa Hồ Gươm không phải là rùa tự nhiên vốn sống tại hồ mà được mang từ nơi khác tới thả tại đây. Theo lý giải của nhà Rùa học, Hồ Gươm là phần còn lưu lại dấu tích của chuyển dịch lòng sông Hồng và cùng với hồ này Hà Nội còn có các hồ khác như hồ Tây, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu. Tuy nhiên, chỉ riêng Hồ Gươm là có loài rùa này.

Mặt khác, nhiều nơi quanh vùng Lam Kinh (Thanh Hóa) người ta từng bắt được những con rùa lớn, nặng tới 150 kg. Từ đó, ông Đức đưa ra một giả thuyết rằng rùa Hồ Gươm được Lê Lợi mang từ quê hương Thanh Hóa của mình thả vào hồ. Tiến sĩ Đức đặt tên khoa học cho rùa Hồ Gươm là loài Rafetus leloii.

Theo tài liệu PGS Đức cung cấp, tháng 4-1995, ông Peter Pritchard, Giám đốc Viện Nghiên cứu rùa Florida (Mỹ) đã sang Việt Nam làm việc với ông. Cả hai đã cùng quan sát tiêu bản rùa ở đền Ngọc Sơn và cụ Rùa sống ở Hồ Gươm. Sau khi về nước, ông này có gửi thư cho Giáo sư Đức khẳng định đây không phải là loài giải Pelochelys bibronii, mà là loài Rafetus swinhoei, hoặc là một loài rùa mới.

Sợ tâm linh?

Theo các nhà bảo tồn, tranh cãi này chỉ thực sự ngã ngũ khi các nhà khoa học lấy được mẫu tiêu bản cụ Rùa Hồ Gươm để làm xét nghiệm AND. Nhưng vì sao đến nay công việc này vẫn chưa được tiến hành dù trình độ khoa học kỹ thuật của ta hoàn toàn có thể làm được? Vì sao hàng chục năm qua người ta vẫn phải đoán mò về giới tính, độ tuổi của cụ Rùa Hồ Gươm, gây ra những khó khăn cho công tác bảo tồn và nhân giống?

Anh Đỗ Huy Bảo, cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, anh đã 2 lần đề nghị được làm đề tài bảo vệ cụ Rùa (năm 2007 và 2008), nhưng đều bị từ chối. Lý do vì sao chỉ có thể lý giải được là do vấn đề tâm linh. “Ai cũng ngại động vào cụ”.

Còn một cán bộ của ATP lại cho hay, tổ chức này hiện không tập trung vào cụ Rùa Hồ Gươm nữa mà hướng tới tìm những con khác cùng loài ngoài tự nhiên để nghiên cứu các biện pháp bảo vệ, nhân giống. Lý do là đến nay chưa xác định được cụ rùa là “ông” hay “bà”, cụ cũng đã lớn tuổi, không biết có còn khả năng sinh sản hay không, và nhất là, trở ngại về mặt tâm linh khiến mọi đề xuất tiếp cận cụ để nghiên cứu đều bất khả thi.

Trong khi các nhà chức trách ngại động chạm vào cụ Rùa, thì cụ cũng kịp mắc lưỡi câu chùm cùng vô số vết thương khác từ những những kẻ câu trộm cá công khai quanh Hồ Gươm.

Mỹ Hằng



 
  góp ý kiến

 
   

  Kí hiệu: : trang cá nhân :chủ để đã đăng  : gởi thư  : thay đổi bài  :ý kiến

 
 

 


Nhà | Ghi danh Thành Viên | Thơ | Hình ảnh | Danh Sách | Tìm | Diễn đàn | Liên lạc | Điều lệ | Music | Link | Advertise

Copyright © 2024 Vietnam Single & Tim ban bon phuong All rights reserved.
Hoc Tieng Anh - Submit Website Today - Ecard Thiep - Hot Deal Network