chimxu
member
ID 36168
01/29/2008

|
khi đàn ông . . . . .

Đàn ông “buôn dưa lê”
10:06:35, 23/01/2008
Đàn ông vốn ăn to nói lớn. Hiếm khi đàn ông nói nhỏ, hiếm khi đàn ông thầm thì. Có những nam nhi đại trượng phu thà chết đứng như Từ Hải còn hơn là phải hạ giọng tỉ tê ton hót.
Khi đàn ông phải thầm thì
...Thậm chí thều thào, có thể đó là vì đàn ông bị đau họng sau khi uống rất nhiều bia lạnh. Khi đàn ông phải nói nhỏ, có thể đó là vì đàn ông có điều khó nói, có chuyện thầm kín - ví dụ như chuyện đã uống hai viên Viagra mà không thấy có tác dụng gì. Trong những trường hợp đó, đàn ông hoàn toàn có thể thông cảm với nhau.
Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và không thể tha thứ đó là khi đàn ông "tám" hay còn gọi là đàn ông "buôn dưa lê". "Buôn dưa lê" vốn không phải là đặc tính của đàn ông. Đàn bà có thể rủ rỉ với người bạn cùng giới cả ngày không chán. Còn đàn ông thì không lắm chuyện đến thế, gặp nhau là uống rượu nói dăm câu ba điều, cười ha hả, thế là xong.
Thật ra những từ "đàn ông", "nói nhỏ", "thầm thì", "tám", "buôn dưa lê" không nên đặt cạnh nhau. Đàn ông không nên nói nhỏ, không nên thầm thì, càng không nên "tám", không nên "buôn dưa lê". Nếu có trường hợp đàn ông như vậy quả là sự trớ trêu của lịch sử, sự nhầm lẫn của tạo hóa mà y học... không thể bó tay.
Cách đây trên 200 năm, nhà văn Đan Mạch nổi tiếng thế giới Andersen đã viết rất hóm về căn bệnh "buôn dưa lê": Buổi sáng, chị gà mái vừa nhảy khỏi chuồng thì bị mất một cái lông cánh. Chuyện rụng lông với lũ gà thì cũng bình thường thôi. Thế mà chị ngan vẫn rỉ tai chị vịt. Rồi chị vịt lại thì thào với chị ngỗng. Cứ thầm thầm thì thì như vậy đến lúc câu chuyện trở lại tai chị gà mái (nhân vật chính) thì đã thành một chuyện tày trời. Và chính chị gà mái này đã quả quyết: "Kinh lắm nhá. Có một mụ gà mái vì giai đã tự vặt lông mình, vặt đến mức trụi thùi lụi, chẳng còn một cái lông nào...".
Tại sao đàn ông "buôn dưa lê"?
Dưa lê vốn không có tội tình gì. Thời bao cấp dưa lê như một thứ quả ăn vào có tính mát có thể dùng làm quà biếu sếp. Thời kinh tế thị trường, dưa lê bị mất giá, bị coi là nhạt nhẽo và thuật ngữ "buôn dưa lê" được dùng để chỉ một thói xấu đặc trưng của đàn bà là ngồi lê đôi mách, kiếm chuyện làm quà.
Khi đàn ông "buôn dưa lê", đó là một việc cực kỳ tồi tệ. Có những gã đàn ông quá rảnh rỗi - như sách Thánh Hiền dạy là "nhàn cư vi bất thiện", thường đi rêu rao, kể chuyện người khác một cách lố bịch.
Có những gã đàn ông "buôn dưa lê" vì lầm tưởng rằng thế là hay, lầm tưởng rằng biết những chuyện thậm chí kín đáo của người khác để đem đi lan truyền là chứng tỏ mình biết nhiều thông tin. Thật ra những người có lương tri và toàn thể loài người tiến bộ nghe những thông tin không chính thống rẻ tiền với thái độ chịu đựng và khinh rẻ người phát tin.
"Buôn dưa lê" không phải là công việc của đàn ông chính nhân quân tử. Người viết bài này đã từng phải nghe một gã chuyên "buôn dưa lê" tâm sự: Mơ ước của đời gã là tiến lên buôn cà chua với kế hoạch kinh doanh đầy táo bạo là sẽ đẩy xe thồ đi bán cà chua, nếu bán không hết sẽ đem về nhà ăn. Tất nhiên là khi đi bán cà chua gã sẽ bán kèm thêm dưa lê. Đối với bản thân gã, chuyện không thành vấn đề, mỗi người có sở thích và mơ ước riêng, chỉ thương cho những người thân và vợ con của gã sẽ phải ăn rất nhiều cà chua không tươi. Nhưng dẫu sao cũng hy vọng cho kế hoạch kinh doanh của gã chuyên "buôn dưa lê" sẽ thành công để gã có tiền sang Thái Lan du lịch. Thấy bảo ở Thái Lan công nghệ chuyển đổi giới tính phát triển rất cao. Đàn ông nhất trí với nhau rằng những gã "buôn dưa lê" không nên đứng trong hàng ngũ của đàn ông.
Phan An
nguahoang (st)
theo : thanhnien.com

Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|