phuonghippy
member
ID 16740
11/04/2006
|
Tận đáy xã hội là sự nhơ bẩn , bùn đen nhưng ở đây, họ là bông hoa sen thơm ngát
Mưa, mưa trên những mái nhà lụp xụp, rách nát, nghèo nàn... cái nghèo thường trực của xóm này. Khu nhà tuềnh toàng, cũ kỹ men ngoằn nghoèo theo những rãnh nước đen tù đọng là nơi chui rúc của hàng trăm con người khốn khổ, tương phản hoàn toàn với thành phố hào nhoáng và giàu sang chỉ cần ngước mắt là nhìn thấy kia.
Những con người sống ở đây, ngày ngày đi khắp các ngõ ngách của thành phố kiếm sống... bạc phếch vì nắng, gió và mốc meo vì bụi thời gian. Những mảnh đời nhỏ bé, mong manh... Chẳng biết từ khi nào cái xóm nghèo ấy hình thành mà kiếp nghèo cứ đeo đẳng mãi, từ năm này qua năm khác... Trong xóm nhà nào cũng nheo nhóc trẻ con. Nghèo ngặt, họ chẳng biết làm gì hơn, cứ trông có nhiều con hơn để bươn chải, để kiếm sống đỡ đần... Mà sinh nhiều chứ trời nuôi đâu mấy, có đứa chưa kịp sinh ra đã chết, có đứa vừa mấy ngày, có đứa được vài tháng, đứa vài tuổi. Mỗi nhà trong xóm hình như nhà nào cũng có một đứa con chết non, chết yểu, mà chắc đâu những sinh linh ấy là khổ? Có khi chúng hạnh phúc sung sướng hơn vì không phải sống cuộc sống tù đọng, nghèo ngặt, chắp vá như thế kia.
Xóm nghèo, chiều nay lại có một nhà có con vừa chết... tiếng khóc cũng không còn để mà khóc nữa, hình như người ta quen với cảnh này... mà hình như cũng vì trời đang khóc giùm họ rồi? Họ còn rủa trời nữa, khóc làm gì những giọt nước mắt lạnh lùng ấy làm nhà họ thêm dột nát, ẩm ướt... Chiều nay mưa, và con bé ấy chết trong xó nhà, lạnh ngắt tím tái, như teo tóp hơn vì lạnh...
Đứa em nhỏ hơn, vừa hai tuổi khóc trong lòng con chị lạnh ngắt từ chiều đã khản tiếng, giờ ngủ vùi trong tay người mẹ bơ phờ vì phát hiện ra một đứa con nữa đã chết...
* * *
Mấy ngày này, trời mưa rả rích mãi... Mưa cái kiểu bất bình thường hơn cả những mùa mưa bất bình thường ở cái xứ này... Xóm vẫn tiếp tục cuộc sống đầy mùi cống rãnh đen ngòm của nó. Sáng sáng vẫn hàng trăm người lếch thếch chui khỏi những ổ chuột, những hang hốc để đến chập choạng đội mưa mà về. Điệp khúc "Ế... đây!!!" lặp đi lặp lại... Bắp luộc ế, chè ế, đậu phộng luộc ế, rồi bong bóng, tò he, chong chóng ế... Chiều mưa, mưa cứ dai dẳng tối trời tối đất, vì áp thấp nhiệt đới đâu đó ngoài biển Đông, vì bão đâu đó ngoài miền Trung. Những con người sống lầm lũi càng lầm lũi hơn. Xóm có lúc nóng hầm hập vì hơi người chen chúc trong hóc xó, giờ lại càng lạnh lẽo thê lương.
Một túp nhà tả tơi, chằng tứ bề là bao nhựa, bao xi măng, vá víu ngượng nghịu bằng lòng nhòng dây nhợ, dây kẽm... Mớ cột kèo tưởng có dỡ ra mà chụm chắc cũng chẳng chín nổi nồi cơm. Con bé bán vé số nằm bẹp đã mấy ngày vì cảm sốt. Cái bệnh gặp hoài, tự miễn rồi tự khỏi của người nghèo. Đứa nào khỏe thì có dang nắng cả ngày, dầm mưa cả buổi cũng chẳng sao cả. Gặp đứa èo uột thì cũng xui xẻo lắm mới phải nằm bẹp một chỗ. Nói xui xẻo lắm là vì có sổ mũi, nhức đầu thì cũng ráng lết thân đi làm chứ không lấy gì mà ăn. Mà mang cái bộ mặt đỏ ửng, đừ đừ ấy ra đường có khi càng dễ cầu xin được lòng thương của thiên hạ, biết đâu xin được ly nước chanh, có khi nhờ thế mà mau khỏi. Nhưng lần này thì con bé xui thiệt, không có nước chanh và cũng chẳng lết đi nổi nữa... Nó cảm nắng, người hâm hấp sốt, thuốc thang không, ngấm bệnh mấy ngày, lại nuốt không trôi thứ cơm cứng nấu bằng gạo hẩm nên không gượng dậy nổi.
Chiều đó, trời mưa... con bé nằm nhà, được cho nghỉ một buổi bán vé số. Trước khi đi má nó dặn coi trời mưa thì nhớ hứng nước để còn xài. Chiều, trời mưa thật, nó lui cui lo hứng nước. Thì ở cái xóm này, nước đen tù đọng, toàn rác rưởi, nắng thì hun hầm cả đầu, mưa thì lẹp nhẹp, bầy nhầy, dân nghèo - dù ở sát thành phố cũng chẳng biết nước máy khử clo là cái quái gì, nước dùng không là nước mưa trời cho thì cũng phải đi xách ở chỗ khác thiệt xa. Mùa này, mỗi ngày trời mưa cho một vài cơn, chịu khó hứng cũng có cái để xài. Con bé hâm hấp sốt, người nóng ran, lại ủ người trong mớ bùi nhùi nên mồ hôi ướt đẫm. Mưa xuống như một sự cám dỗ, nó vừa hứng nước vô xô vừa hứng mưa lên người nó... Mưa làm dịu cơn sốt của nó... Mưa vực nó tỉnh khỏi cơn mê mệt mỏi. Nhưng con nít còn khờ, chỉ biết làm dịu cơn nóng mà không biết rằng để nước ngấm thì chỉ có bệnh thêm thôi. Rồi con bé bệnh nặng thêm thật. Tối đó nó sốt mớ, sốt sảng, nóng hầm hầm... Mà ba má nó thì cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài phương thuốc gia truyền trị bách bệnh của dân nghèo là nước gừng, nước gừng và nước gừng...
Con bé nằm nhà thêm vài bữa. Mỗi chập chiều tối lại tái diễn cảnh nhà nheo nhóc, mọi người tha những thứ đã tha đi khắp thành phố từ sáng về... Điệp khúc ế lặp đi lặp lại. Con bé Hai, con bé Ba, mấy thứ bánh nướng còn mãi, mỗi ngày một cong lên giảnh trét. Thằng Tư đánh giày thì cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, trời mưa lẹp nhẹp ai hơi nào đánh giày... Má nó ôm thúng đậu phộng luộc về, bán được lưng lưng, đem đậy lại đó, để sáng sớm luộc lại đi bán tiếp... Mọi bận, má nó cắp nách thúng đậu đầy có ngọn, tay kia còn xách theo bịch đậu phộng chừng năm kí mà bán hết trơn, bữa nay thì... Ba nó về với xe chong chóng ủ rũ, nhăn nheo thêm vì trời mưa.
Chiều tối, bữa cơm hẩm, ăn với rau muống luộc - thứ rau già chát xơ xẩu trồng cũng gần đâu đó thông với rãnh nước đen thui này, chấm một thứ nước mắm mặn chát cỡ con chuột rớt vô cũng khỏi sống. Thằng Tư cả ngày lếch thếch ngoài phố mệt bã cả hơi mà nuốt cơm không vô. Nó khèo khèo má nó:
- Cho con ít hột đậu phộng ăn đỡ nghen má!!!
Má nó hứ một tiếng: “Mày ăn thì mốt mày nhìn được không?”
Thằng nhỏ lại gằm mặt xuống nuốt cả cơm lẫn sạn lẫn hạt lép hạt ương. Nó biết má nó cũng đã đi thất thểu cả ngày nay như nó thôi.
* * *
Lầm lầm lì lì là nét mặt đặc trưng của dân xóm này, khổ quá họ cũng chẳng hơi nào mà cười nữa. Có hồi có nhà khá nhất xóm “tậu” - nói là tậu cho sang chớ cũng là mua rẻ ở hàng lạc xoong đâu đó được cái ti vi - tệ hết cỡ nhưng khả dĩ còn coi đài được. Tối tối cũng rổn rảng, xình xang được chút chút, con nít lu bu xúm tới, người lớn cũng ham vui ghé vô. Coi ba hồi chụp ba hồi dựt, mà có coi cũng đỡ ghiền. Nhưng coi gì thì coi, coi phim, coi ca nhạc toàn thấy người ta giàu sang, quần áo lòe loẹt, ăn uống thừa mứa... Ngó lại mình chỉ thấy tủi thân. Nghe chuyện súng bắn, bom nổ ở đâu đâu nước ngoài thì chẳng hiểu gì hết, mà coi lại sân khấu ca nhạc, phim ảnh của xứ mình cũng thấy cách xa vời vời. Nghĩ buồn cười, cái cô gì xinh xinh trên kia cứ bày cho người ta cách giảm cân, chống béo phì mà cái đám người ngồi coi thì hình như người nào cũng thiếu ăn. Trên kia bày muốn mặc đẹp thì lựa quần áo ra làm sao, mà đám ngồi coi thì áo bạc phếch, nhăn nheo, dơ hầy. Tới bữa kia, chương trình gì không biết... người ta may một cái áo trắng to tổ bố, to chắc dư sức trùm cả cái xóm bầy nhầy, lẹp nhẹp này được thì ông già Ngác nổi điên, cầm luôn cái chai đựng rượu của ổng ném vô ti vi nghe cái chảng:
- Tổ mẹ nó chớ, lũ này miếng áo rách còn hổng có đặng xài, chúng nó làm cái con mẹ gì may cái áo đó cho gián gặm chắc à...!!!
Tối thui. Im bặt. Lũ trẻ hoảng sợ khóc thút thít, người lớn cũng thừ người ra vì câu nói của lão Ngác điên mà nghe cũng đúng phận mình ghê. Đến nhà chủ cái ti vi cũng chẳng nói lời nào than thở, cũng chẳng còn hơi nào tiếc của - dù cái của tuy cà bụp cà rẹt vẫn là sang nhất xóm. Ai cũng biết là lão Ngác hổm nay tức âm tức ỉ nhiều chuyện rồi... Lão cứ kề rề cà rà than thở:
- Chớ tụi bay coi, cái ghế zầy, đủ cái mông tao ngồi chớ bộ dựng ghế xong lên ngồi cao hơn nóc nhà sao mà người ta làm cái ghế cao tới năm bảy thước để lập kỷ lục hả tụi bay???
- Chớ mà...
Ông Ngác gàn, ông Ngác điên, xóm này vẫn gọi thế... vì ông già lẩn thẩn hay ngồi triết lý cái sự đời. Lần này thì không ai gọi ông điên cả vì coi mòi ông nói có lý thật. Có cái ti vi được coi hình, nghe tiếng ồn ả được chút chút, nhưng coi xong lại tủi thân tức phận. Dẹp cái ti vi rồi, có buồn chút đỉnh nhưng thôi thà ngủ sớm bữa sau còn đi làm sớm...
* * *
Con bé nằm đứ đừ ở nhà, bệnh chẳng giảm đi chút nào! Cả xóm ban ngày đi hết, còn lại chỉ có tiếng chó cấm cẳng, tiếng mấy thằng xì ke vạ vật chúi nhủi vào hóc nào ngủ đại, tối chiều có người về lại lết xác đi. Xóm này nghèo nhưng được cái không nhà ai có người nghiện. Nghèo kiết, nghiện gì nổi... Dân nghiện là mấy thằng dư cơm ở đâu, coi không có ai chui vô trốn nắng, có khi quăng kim tiêm ra đó rồi chuồn thôi. Đụng lão Ngác lão chửi cho chạy thục mạng. Nắng chang, hơi nóng hầm hập bốc lên từ rãnh nước đen ngòm ngập ngụa rác. Con bé nằm nửa mê nửa tỉnh. Trong lòng nó, trong tâm hồn còn non nớt ngây thơ của nó vẫn thường trực nỗi lo, không kiếm được vài đồng bạc còm thì... Giấc mơ của nó chẳng khi nào bình yên... Nó mơ thấy mưa, mưa như trút, mưa đến mức nước ngập lênh láng, ngập gần hết cả cái xóm nghèo xác xơ của nó. Mà mơ chi mơ ác không biết, bệnh mà không bình tâm được thì bệnh đời nào khỏi chớ...
Thế là ngày đó trời mưa thật, mưa ảo não, mưa thê lương, mưa như trút. Trời đất càng ngày càng không hiểu nổi. Vì xứ này có khi nào có mưa như thế đâu? Mưa đã khó kiếm ăn mà quần áo, dép guốc, rồi nhà cửa cũng mau hư, mau nát. Lại càng khổ thêm lên mấy bận. Mấy đứa chị đứa anh, rồi ba má nó lần lượt kéo về cái nhà rách. Thúng đậu phộng lại chỉ bán được lưng lưng, đem đậy lại đó, để dành luộc lại mai bán tiếp. Thằng Tư lại khèo má:
- Cho con ít hột nhai cơm má...!!
Thằng nhóc cũng dư kinh nghiệm để biết rằng má nó cũng chẳng giữ mớ đậu lâu hơn nữa đâu. Mà đậu nấu để lâu còn ngon lành gì, bán hoài không hết không trả vốn cho người ta được mà ăn hết gạo thì có hơn gì, nhà nó cũng có khi ăn đậu phộng trừ cơm chớ chưa na!
Má nó cũng chia cho mỗi người nửa lon đậu, coi như lỗ sáu ngàn - hơn hai kí gạo nát chớ bộ. Vậy mà, mấy đứa nhỏ lột đậu trộn với nước mắm ăn ngon lành, coi bộ nuốt cơm còn nhiều hơn nữa à!
Con bé ốm thì vẫn không ăn nổi, thế là má nó lột đậu đem giã dập, lấy ít cơm nấu cho nó chén cháo. Cháo đậu phộng ngọt và béo hơn cơm chớ. Con bé ăn được một chén, coi bộ tỉnh hơn được một chút.
Sáng ra, má chúng nó lại bê thúng đậu được luộc lại mấy nước bốc khói nghi ngút đi. Nghĩ cảnh mấy đứa con ăn uống kham khổ, mới xúc để lại cho con nhỏ ở nhà lon đậu:
- Coi ăn rồi mớm cho em nó ăn nghen con!
Con bé giữ lon đậu, canh cho đứa em nó ăn thiệt. Đứa nhóc hai tuổi, biết gì, có cái gì nhá được là cười toét, gặp thứ bùi bùi ấm ấm cũng ăn vô tư. Hai đứa chị em ốm nheo ốm nhách như nhau, nhìn coi dễ thương mà cũng thiệt tội nghiệp.
* * *
Chiều nay trời mưa nhưng không mưa nhiều như hôm trước, coi bộ đồ bán được... Chiều nay, xóm này người ta cũng về sớm hơn, nghe rổn rảng thiệt vui.
Má nó về, cắp cái thúng khua cái lon trống rỗng hiếm hoi mấy bữa nay. Ngó thấy đứa nhỏ hai tuổi nghẹo đầu ngủ mệt trong lòng chị, chạy lại bồng thì đứa nhỏ khóc ngằn ngặt không dỗ được, lay con chị dậy coi dùm đứa em thì con chị đã lạnh ngắt rũ xuống từ đời nào rồi! Con bé chết... Má nó lạnh cả người, chẳng khóc nổi nữa... Chị cũng từng mất một đứa con trước đứa này rồi... Cứ nghĩ đứa này cứng cáp chắc sống được, cũng quên đi cái chết của đứa kia mà đẻ thêm đứa út.
Con bé chết, lão già Ngác qua, day mặt hỏi:
- Thiệt khổ, chớ sao cho nó ăn đậu phộng luộc chi dậy con?
Con bé bệnh hổm nay, ăn uống kham khổ, thuốc men không có, trời thì lúc lạnh lúc nóng, nắng oi nồng, mưa hầm hập... Đụng cái mớ đậu này, phát ách rồi chết... Ông già an ủi:
- Thôi số nó chết, coi như hết kiếp à con... Coi như cũng được ăn bữa ngon trước lúc chết!
Trời thì mưa! Chớ mưa chi không biết nữa, mưa cho dột nhà nát cửa dân xóm này mới chịu sao?
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
Trang nhat